Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Chiều Thơ Nhạc ngày 02/06/2013 do Hội Phụ Nữ Âu Cơ tổ chức

(Bích Xuân ghi lại hình ảnh)

(Đoàn Quốc Tiệp ghi lại hình ảnh)

(Trần François ghi lại hình ảnh)

CHIỀU THƠ NHẠC PARIS 

Chủ nhật ngày 02-06-2013, tại nhà thờ Saint Hippolyte, nằm trên đại lộ Choisy, Paris quận 13. Một buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật chủ đề : "Chiều Thơ Nhạc Paris" đã được Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris tổ chức.

Mở đầu chương trình là nghi lễ chào quốc kỳ và một phút mặc niệm. Hội trưởng Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris, chị Trần Thúy Phượng cũng là MC ngỏ lời chào quan khách, nói qua về ý nghĩa buổi sinh hoạt chiều nay, đồng thời giới thiệu những khách tham dự gồm có : LS, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình và phu nhân đến từ Canada, GS,TS Trần Văn Cảnh, GS,TS âm nhạc Quỳnh Hạnh, GS Trịnh Khải và phu nhân, GS Trịnh văn Giao và phu nhân, BS Phan Khắc Tường Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tại Pháp, BS Nguyễn Bá Hậu và phu nhân, BS Nguyễn Bá Linh, BS Nguyễn Văn Thanh, Nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Niên trưởng Hướng Đạo Đỗ Đăng Di, Châu Văn Lộc, Ông Lê Minh Triết, Ông Nguyễn Cao Đường Ban Đại Diện Cộng Đồng, Ông Trần Minh Răn Văn phòng Liên Đới Xã Hội, Công Thiểm, Phạm Văn Đức Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Âu Châu, Nhà thơ Đỗ Bình, Bích Xuân, Việt Hoài Phương, Mây Thu Đại diện tạp chí Cỏ Thơm, Bạch Sương Đại diện tạp chí Nguồn, Nhạc sĩ Michel Tùng và phu nhân, Nhạc sĩ Minh Nhật, Nhạc sĩ Trần Văn Trung, Ca sĩ Đình Đại, Nghệ sĩ Thúy Hằng, Ca sĩ Cathy Huệ, Nhiếp ảnh gia Đoàn Quốc Tiệp, Guillaume Phan, Đạo diễn Trần Song Thu...

Diễn giả, Nhà thơ Đỗ Bình được mời lên nói về Thơ và Nhạc, ông phát biểu như sau: "Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt khác nhau nhưng khắn khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của lời. Nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Trong thơ có chứa tư tưởng, triết lý, tôn giáo, hội họa, âm nhạc... những chất liệu trong cấu trúc để hình thành thơ như ngôn từ, hình tượng, vần điệu, niêm luật, ẩn dụ, hoán dụ v.v.... Riêng thơ Việt Nam hay thơ Trung Hoa đều có thêm chất nhạc. Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm của con người. Ngày nay người ta còn dùng âm nhạc để trị liệu bệnh tâm thần (musicothérapie). Âm nhạc gồm những đặc tính như cao độ, trường độ, âm sắc v.v... những ký hiệu đòi hỏi ghi lại hình nốt để nghe những giai điệu được dìu dặt khoan thai như bước vào một cõi mộng. Riêng thơ chưa có một định nghĩa nào rõ ràng làm mẫu mực. Người ta chỉ cảm nhận thơ là một nghệ thuật của một nghệ thuật phát xuất từ cảm xúc của tâm hồn. Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sẵn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát...". Nhà thơ Đỗ Bình đã minh họa phần tính nhạc qua những bài Đây Thôn Vỹ Dạ của Thi sĩ Hàn Mạc Tử, Qua Đèo Ngang của Nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan, Áo Lụa Hà Đông của Thi sĩ Nguyên Sa. Tiếp theo nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu nói về Những Nét Đẹp Trong Thi Ca, ông cho rằng một bài thơ hay phải hội đủ nhiều yếu tố: "giàu vần, giàu điệu, lời hay ý đẹp, có thể ngẫu biền tức là những đối thanh, đối ý trong câu". Ngoài ra nhà thơ Phương Du còn nói đến điệu hát xẩm, là những bài hát của những nghệ sĩ mù thường dùng lời ca để tìm kế sinh nhai, mọi người cùng lắng nghe giọng ca ngâm thật cảm động "Bài Hát Xẩm" trích trong Thi tập Tình Thương của tác giả: "Non nước ơi! Kể từ khi ta dấn thân ra đi lưu lạc chốn quê người, sầu chia ly, sao chưa cạn, mà cuộc đời buồn bã cứ qua trôi... Non nước ơi! Dân tình ta trông thật là đói rách, thảm thương: ăn chẳngđủ no, mặc không đủ ấm, đau yếu thời thường chẳng có thuốc thang... Non nướcơi! Luồng gió tự do, mai đây thổi tới, sẽ quét sạch phỉ phường, tha hương ta lại lên đường trở về kiến thiết quê cha...". 

MC Trần Thúy Phượng với nụ cười rất tươi, thay đổi chương trình bằng giọng ca trầm ấm của Ca sĩ Đình Đại, bài "Chiều Trên Phá Tam Giang" nhạc Trần Thiện Thanh phổ thơ Tô Thùy Yên. Một nhạc phẩm được nhiều người ưa thích, viết vào thập niên 70, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt của Việt Nam, ở đó nổi bật nhất vẫn là tình yêu nhung nhớ của thanh niên thiếu nữ trong thời chiến. Những dòng nhạc này rất phong phú về giai điệu lẫn ca từ, cho đến ngày nay vẫn còn hợp thị hiếu của thính giả trong cũng như ngoài nước. Nhạc sĩ Michel Tùng hòa âm cùng tiếng sáo của Nhạc sĩ Trần Văn Trung để ca sĩ Đình Đại trình bày tiếp theo nhạc phẩm của Phạm Đình Chương: "Nửa Hồn Thương Đau" và anh được thính giả yêu cầu trình bày thêm nhạc phẩm "Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi" của Vũ Thành An.

Nhà thơ Bích Xuân tiếp nối chương trình, diễn ngâm bài "Áo Lụa Hà Đông", thơ Nguyên Sa, sau đó chị "gọi nắng về" bằng nhạc phẩm "Giọt Nắng Bên Thềm", nhạc và lời của Thanh Tùng.

Bài "Tương Tư", thơ Nguyên Sa, được Nghệ sĩ Thúy Hằng diễn ngâm cùng với tiếng đàn tranh của GS,TS âm nhạc Quỳnh Hạnh. Khung cảnh trong gian phòng thật ấm cúng với những đóa hoa cúc vàng cắm trong bình sáng lên dưới ánh đèn ửng màu hồng tím. Giáo sư Quỳnh Hạnh đầu đội khăn vàng, cổ quấn phu-la vàng kim tuyến làm nổi bật màu áo nhung tím hài hòa cùng màu áo tím in hoa lan huệ của Nghệ sĩ Thúy Hằng thật vô cùng thanh nhả. Giọng ngâm của nhà thơ Đỗ Bình tiếp theo với "Đôi Mắt Người Sơn Tây", thơ Quang Dũng, phảng phất một chút Quách Đàm hay Hoàng Thư làm thính giả cùng lắng nghe say sưa, tưởng như nơi đây là Sài Gòn của những tối nào xưa trên đài phát thanh trong chương trình Thi Văn Tao Đàn của Thi sĩ Đinh Hùng. Đến lượt Giáo sư Quỳnh Hạnh vừa ngâm vừa dạo đàn tranh bài thơ lục bát "Tiển chân anh Khóa" của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải và trình bày tiếp theo nhạc phẩm "Mùa Hoa Anh Đào" của nhạc sĩ Thanh Sơn. Ca sĩ Cathy Huệ tiếp nối chương trình với nhạc phẩm "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn, Nhạc sĩ Michel Tùng dạo đàn cùng tiếng khẩu cầm của Nhạc sĩ Trần Văn Trung. Nhạc phẩm tiếp theo của Trần Thiện Thanh "Mùa Đông Của Anh" cũng do Cathy Huệ trình bày. 

Nhạc Tiền Chiến hay Nhạc Vàng? Hai danh từ này bỗng dưng được đem ra tranh luận sôi nổi. Ông Phạm Văn Đức, Tập thể Chiến sĩ VNCH tại Châu Âu đã nêu ra câu hỏi: "Tại sao gọi là Nhạc Vàng? Danh từ Nhạc Vàng có xuất xứ từ đâu? Giáo sư Quỳnh Hạnh trả lời: "Nhạc Vàng bắt nguồn từ Nhạc Tiền Chiến thời Đoàn Chuẩn, Từ Linh... ca từ và hòa âm rất hay, rất đáng trân trọng. Đa số các học sinh trường quốc gia âm nhạc thường chọn để làm chuẩn". Theo Đỗ Bình: " Trong dòng lịch sử tân nhạc Việt Nam đã mấp mé gần thế kỷ khởi từ những nhạc sĩ đầu tiên như Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Hoàng Quý… Những giai điệu quê hương mang tính lãng mạn trữ tình của dòng nhạc tiền chiến được những nhạc sĩ đã từng học nhạc Tây Phương và đã đem những dòng nhạc Tây Phương vào hòa với dòng Dân Nhạc của Việt Nam vì tính chất nhạc Việt Nam dựa trên nền âm nhạc ngũ cung chỉ có 5 nốt, trong khi nhạc Tây Phương có đến 7 nốt. Ở giai đoạn đó, nhạc ngũ cung lấy chất liệu từ các thể điệu dân ca như Ca Dao, Hát Nói Ca Trù, Hát Quan Họ… Sau này người ta đem dòng nhạc Tây Phương vào để có được nhiều nốt hơn, giàu giai điệu hơn. Ngôn ngữ của Việt Nam có nhiều thay đổi đã xuất hiện nhiều cụm từ và chữ mới, do đó cấu trúc âm nhạc từ giai điệu, tiết tấu, hòa âm có thêm chất liệu giúp cho việc sáng tác những ca khúc thêm màu sắc, phong phú hơn...". 

Ông Phạm Văn Đức giải thích rằng: "Sở dĩ có danh từ Nhạc Vàng là do khi Cộng Sản chiếm miền Nam họ mới phân biệt, bởi vì nhạc của ta là nhạc tình cảm. Nhạc Vàng là tên gọi của Cộng Sản dành cho chúng ta. Nhưng cho đến nay khắp cả toàn dân toàn nước đều hát, bởi vì Nhạc Vàng đi vào lòng người".

Nhà thơ Phương Du đưa ý kiến : "Nhạc Vàng là nhạc trữ tình. Vì màu Vàng là màu đẹp, cho nên Thế Lữ mới có câu: "Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?" Và Nguyễn Du có câu: "Long lanh đáy nước in trời, Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng". 

Ông Châu Văn Lộc Niên trưởng hướng đạo Nam Quan, cũng đồng ý với ông Phạm Văn Đức: "Nhạc vàng có từ khi có Cộng Sản. Đầu tiên là Nhạc tiền chiến rồi tới Nhạc cải cách hay Nhạc hiện đại. Nhạc Vàng là từ của Cộng Sản, có từ sau 1975". Sau đó ông trình bày nhạc phẩm "Thăm Những Vùng Đất Mang Tên Anh" của cố nhạc sĩ Thanh Sơn: "Thị trấn buồn cao nguyên cheo leo. Gió buốt miền đất đỏ mù sương. Kontum đây với những kiêu hùng. Kìa Charlie núi rừng thung lũng, Về Chu Prao hát ca ngợi Ko Man. Dak Lak ngày nào còn hiên ngang! Sẽ thấy một ngày Quê Hương ta hòa bình. Màu cờ Việt Nam phất phới thêm đẹp xinh. Hỡi những ai người da chung màu vàng. Mau hãy xây dựng quê hương với nhau. Sẽ thấy một ngày quê hương ta hòa bình. Để nhìn cọng rau cây lúa được bình yên. Hãy hát ca mừng anh em một nhà. Ðịa sử oai hùng Việt Nam quê hương ta! ". Liền tiếp theo đó, "Đoàn Người Lữ Thứ" là một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương viết năm 1954, nói lên cảm xúc của những đồng bào di cư miền Bắc, cùng thời với Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Nhạc Rừng Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, cũng được trình bày. Tiếng hát hòa cùng với tiếng vổ tay nhịp nhàng của thính giả trong gian phòng ấm cúng theo từng giai điệu của bản nhạc nghe thật hào hùng và cảm động, tiếp theo là bài "Sài Gòn Xa Hoa", viết năm 1948.

Nhạc sĩ Minh Nhật cùng đến tham dự với nhạc phẩm "Thu Quyến Rũ" của Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

Được biết vào năm 1986, hội Văn Hóa đã tham dự ngày quốc tế văn hóa Symbiose nhằm giới thiệu văn hóa dân tộc VN với các dân tộc khác sống trên xứ Pháp, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Trình là một thành viên của hội, được mời làm khách danh dự triển lãm tại Đại Hội Nhiếp Ảnh Vương Quốc Bỉ ở Charleroi. Năm 1987, ông được vào triển lãm 2 tháng liền trong Musée Français de la Photographie, Bièvres. Luật sư Nguyễn Đăng Trình là một nhà nhiếp ảnh đam mê, từng đoạt giải nhì quốc tế UNESCO, và nhiều giải nhất về nhiếp ảnh cở trung tại Pháp. Khi rời khỏi VN ông mang theo được một số âm bản chụp nhiều cảnh VN trước và sau năm 1975, qua Pháp ông làm ảnh bằng kỹ thuật mới trong phòng tối và phóng lớn. Lúc đó VN hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, những hình ảnh Nguyễn Đăng Trình mang theo là một không gian VN thu hẹp. Do đó, viện bảo tàng chấp nhận và đã mở cánh cửa cho ông đem hình vào viện triển lãm. Năm 1988, ông được mời sang tận Museum Volkenkude Rotterdam và Museum Groningen Hoà Lan triển lãm 4 tháng liền. Hiện nay LS, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình, người đã từng hợp tác sinh hoạt với Nhà thơ Đỗ Bình vào khoảng năm 1987, đang định cư ở Montréal, Canada, vẫn bấm máy nhưng không còn triển lãm, trước khi chia tay, ông đã có vài lời phát biểu: "Chúng tôi ở cách đây xa một đại dương hơn mười ngàn cây số, hôm nay được sinh hoạt lại với không khí đầy tình thân ái trong tinh thần văn nghệ sống động. Thật là một duyên may cho chúng tôi, được thấy lại, được sống lại một khoảng thời gian trước kia khi chúng tôi cùng với nhóm anh Đỗ Bình đã triển lãm ở Musée Français de la Photographie, ở Rotterdam, ở Charleroi bên Bruxelles... Tôi xin cảm ơn Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris đã tạo cơ hội cho chúng tôi được sống lại không khí sống động như ngày hôm nay mà ở Montréal chúng tôi không có được như vậy".

Chương trình kết thúc vào khoảng 18h30. Mọi người cùng chia tay trong vui vẻ hân hoan. Sau nhiều ngày mưa gió triền miên, chủ nhật hôm nay là một ngày nắng đẹp.

Nguyễn Mây Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét